Wednesday, October 28, 2009

Cà phê nào ngon?

Sẽ có rất nhiều câu trả lời khác nhau tùy vào khẩu vị của từng người. Không phải cà phê nào cũng giống nhau, mỗi loại cà phê lại có vị đắng, vị đậm đà khác nhau.

Mình bắt đầu uống cà phê từ khi nào nhỉ. Hồi đó, mình chắc chỉ học cấp hai, bố mẹ cấm tiệt uống cà phê, nói chung là những đồ uống có chất kích thích.
Một hôm, pha cà phê cho bố, sao cái thứ nước đen đen này lại có mùi thơm thế.
Pha xong, còn bã, lẻn mang vào bếp, cho nước thêm vào, được một ly cà phê sái, cũng thơm đấy chứ, cho tí đường vào, ôi, ngon thật...
Và thế là bắt đầu thích cà phê....
.....
Rồi đến cần cà phê. Vì khi mình học, rồi thi, phải thức khuya, đặc biệt hồi sinh viên, học thì ít, đi dạy thêm thì nhiều, đến kỳ thì là vắt chân lên cổ mà học, thế là phải cần đến thứ nước đen đen đó, để mà tỉnh táo, để thức đêm, để học...
...
Thế là nghiện cà phê....


.....

Rồi đến khám phá cà phê.


Ai cũng thích cà phê Ý, Ý cũng có nhiều loại cà phê, và mình chả rõ loại nào là ngon, nhưng mình đã thử cà phê của nhà hàng Ý, nghe nói cà phê cũng từ Ý sang, èo, đắng kiểu cà phê rang bị cháy, chả thích.

Đó là ngoại, còn nội? Nổi nhất giờ là cà phê Trung Nguyên, cà phê trong quán High land, nhưng mình chả thích. Có lần cũng mua thử loại ngon, cà phê chồn của Trung Nguyên, eo, đắng như bỏ thuốc, không thể uống nếu không cho nhiều sữa ông thọ.

Mình thích uống cà phê gì ? Cà phê từ Buôn Mê Thuột, Đắc Lăk, chả có nhãn mác, vào chợ mua ký, thơm, đắng dễ chịu, đắng của cà phê, đắng thơm, mùi thơm, uống tới đâu dễ chịu tới đó, cái vị đắng rất đặc trưng, khó tả, cái mùi thơm của cà phê cũng rất đặc trưng, chỉ cần ngửi là thấy tỉnh táo....
Nếu không đi được Buôn Mê Thuột hay Đak Lak, ngày xưa, mình hay mua cà phê Thu Hà, vị cũng thế. Sau chả thấy Thu Hà đâu, chuyển sang uống Nam Nguyên, cũng tạm ổn, nhưng vẫn không giống cà phê mua tận nơi.

Cà phê ở Bali, uống đến 5 ly vẫn chả thấy xót ruột, cà phê họ pha khá loãng, mình uống lại thấy vị giống như nước đỗ đen rang, vị đắng nhẹ nhàng, cũng dễ uống.

Cà phê Campuchia, cũng nhẹ, uống cũng được.

Cà phê Lào cũng có vị gần giống như cà phê Bali, nhưng có vị cà phê nhiều hơn, uống cũng thích.

Ở Oman, người ta hay cho hồi và quế vào cà phê, khi uống cà phê này họ hay ăn trái Chà là. Chà là ăn thì ngon, nhưng mình chả thích cà phê này tẹo nào, mất hết cả mùi lẫn vị của cà phê, toàn thấy mùi hồi.

Tóm lại, thích nhất vẫn là cà phê ở Buôn Mê Thuột hay Đak Lak.

Làm việc với người Campuchia



(Hình chụp nhân viên của khách sạn trong một chuyến đi dã ngoại)

Chủ đề nge có vẻ bao la, chung chung, nhưng ở đây, mình muốn nói về suy nghĩ của cá nhân, cũng như những gì mình đã trải qua.

Người Campuchia nói chung rất hiền lành, họ có vẻ chậm chạp, làm gì cũng từ từ. Dĩ nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ, làm ào ào. Có rất nhiều người giàu có và thành đạt ở đây, và cũng có rất nhiều người tham vọng, cầu tiến, cũng như ở nhiều nơi khác.

Vào vấn đề chính, mình chỉ muốn nói một vấn đề đơn giản ở đây là đặt vé máy bay. Từ hồi mình sang thì đa số mình tới thẳng văn phòng, đặt vé, chờ xem vé, kiểm tra vé, yêu cầu in vé và trả tiền.
Lần này, mình muốn thử đặt vé qua mail xem có được không, dù sao thì hai bên cũng biết nhau rồi. Nếu được thế thì đỡ mất công đi.
Kết quả là được, nhưng mình phải kiên nhẫn.
Thư trả lời rất nhanh, nhưng hầu hết mình không hiểu, phải viết đi viết lại, hỏi đi hỏi lại mới hiểu nhau.
Tóm lại là, viết thư yêu cầu đặt vé, khoảng 4 lần viết đi viết lại, mình đã đặt được vé theo đúng lịch trình mình muốn.
Tới phần xuất vé và trả tiền, mình yêu cầu họ mang vé tới cho mình và lấy tiền (do mình quen nơi này rồi nên chắc họ đồng ý). Thư trả lời họ yêu cầu mình tới văn phòng, lý do vì sao mình không hiểu. Mình viết lại, nói không hiểu, và hỏi lại là họ có thể mang vé tới cho mình lúc 2h chiều hôm sau được không.
Mình nhận được thư trả lời là "Tin tốt lành, hẹn gặp lại". ????? Có nghĩa là gì?
Mình lại viết lại " Có thể giải thích rõ là có mang vé tới cho mình được không? "
Và đúng 3.15 chiều hôm đó, có người mang vé và hóa đơn tới. À, giờ thì hiểu "tin tốt lành" là gì rồi. Nghĩa là không cần chờ tới 2h chiều hôm sau, họ sẽ mang vé tới luôn ?????

Thế đấy, vẫn có kết quả tốt như bạn mong muốn, nhưng phải thật kiên nhẫn. Và khi bạn kiên nhẫn, bạn sẽ thấy người Campuchia rất dễ thương, và bạn thấy rất dễ chịu khi làm việc với họ.

Monday, October 12, 2009

Bali

Nếu chỉ nói là đi chơi Bali thì bao la quá, vì Bali là một hòn đảo rất rộng thuộc địa phận nước Indonexia, nên mình phải nói cụ thể là mình đi Bali chơi, và ở địa phận Ubud, cách xa bờ biển. Ai cũng nói, đi Bali thì phải đi ra biển chứ, vì biển Bali đẹp mà, nhưng mình lại thích khám phá về văn hóa cơ, nên Ubud là điểm dừng chân lý tưởng ở Bali. Từ Siem Reap, mình phải đi chuyến bay của Bangkok air, tới Bangkok, ở lại một đêm và đi chuyến bay lúc 8h sáng hôm sau của Thai airlines. Cuối cùng thì cũng tới khách sạn, Komaneka, nhân viên vô cùng thân thiện, họ có kiểu chào giống người Campuchia, chắp hai tay trước ngực và chào. Bước vào phòng, hai vợ chồng không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc giường của mình được trang trí như giường dành cho đôi vợ chồng đêm tân hôn, thế này thì ai nỡ dám ngủ, đẹp quá..... Trong khách sạn không có buffet nên ăn sáng là thực đơn tự chọn. Mình thích nhất là cơm chiên và cháo, cháo nấu cùng thịt gà xé, và cho nước tương Bali, ngon vô cùng. Trong số 250 dân tộc ở Indonesia thì người Bali được coi là tài hoa nhất, nghệ sĩ nhất.Ubud là nơi có nghề chạm trổ đồ gỗ nổi tiếng, tất cả cửa ra vào, trần nhà, thậm chí tường nhà bằng gỗ đều được chạm trổ rất đẹp và công phu. Đây là một ví dụ về hình chạm trổ ở tường nhà bằng gỗ.
Cổng vào cung điện, bạn có thể mua vé xem múa Bali ở đây.
Nhưng nếu bạn muốn vào tham quan các cung điện, đền thờ bạn phải mặc sarong. Bạn có thể thuê những chiếc sarong này ở ngay cổng vào đền thờ.


Xe khách?? Mình thấy những chiếc xe tải nhỏ chở người này chạy thường xuyên trên đường phố ở Ubud. Phương tiện công cộng của Bali không tốt, đa số là xe khách cũ kỹ, có nhiều xe giống như xe lam.
Đường phố ở Ubud nói chung là rất nhỏ, vỉa hè cũng rất nhỏ, chỉ đủ cho một người đi, hai bên đường san sát các cửa hàng bán đồ lưu niệm và nhà hàng, quán cà phê.
Món ăn của Bali hầu như đều có cà ri, rau cũng xào với cà ri, sa tế là món ăn được ưa chuộng nhất. Đây là một món ăn điển hình của người Bali, cơm vàng (vì cơm có màu vàng) được nấu với sốt cà ri, thịt gà xào sốt cà ri và rau cũng xào với sốt cà ri. Bản thân mình thì thấy đẹp mắt, nhưng ngấy quá, cái gì cũng .....cà ri....hơi khó ăn.


Ở Bali, truyền thống văn hóa vẫn được nâng niu, gìn giữ, ngày nào du khách cũng có thể được thấy các lễ hội, lễ cầu mưa, lễ cúng người chết,.....Tất cả các gia đình đều phải cử ít nhất 1 người trong gia đình đến tham gia lễ hội.
Người Bali đôi khi bị châm biếm là chỉ dành thời gian, sức lực cho các nghi lễ tôn giáo. Quả thật, các lễ hội với nghi thức cúng tế, ca múa nhạc nhiều màu sắc, trau chuốt, công phu diễn ra hàng ngày trên đảo, luân phiên qua các thị trấn, làng mạc. Những lễ hội, đám cưới, đám ma, lễ hỏa táng... thường có sự tham gia đầy thích thú của nhiều du khách nhưng vẫn giữ được không khí trang trọng truyền thống. Tình yêu và sự nhạy cảm với cái đẹp của người Bali đã biến hòn đảo ngọc ngà này thành thiên đường. Một thiên đường có được không chỉ nhờ xây dựng mà còn do con người biết giữ gìn và tô điểm thêm những nét đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng.