Thursday, December 31, 2009

Món ăn cuối năm

Sắp sang năm mới rồi, nhanh thật, chả làm được gì cả mà đã hết năm. Hôm nay mình nấu bữa ăn cuối cùng của năm cũ, làm cầu kỳ một chút vậy.

Đây là há cảo nhân thịt lợn bằm, cá hồi rán ăn kèm sốt kem và tương ớt chua ngọt, và sà lát dưa chuột với sốt thì là.



Món nấm xào dầu hào


Cà ri tôm bỏ trong lòng quả đu đủ và được nướng trong lò nướng, món này đẹp và ăn rất thơm.

Tuesday, December 29, 2009

Đám cưới của người Khmer

Từ ngày sang Siem Reap, mình đã đi dự một số đám cưới, nhưng đây là lần đầu tiên mình đi dự một đám cưới được tổ chức tại nhà của cô dâu thay cho nhà hàng.
Trên thiệp mời, bạn thường được mời tới dự tiệc lúc 4:30 hoặc 5:30 chiều, lần đầu tiên, hai vợ chồng tới đúng giờ và chỉ có cô dâu, chú rể cùng gia đình đứng đón khách, đúng 6:00 khách mới rải rác tới dự tiệc. Ở nhà hàng, không giống như ở Việt Nam, có người chủ hôn, có phần giới thiệu cô dâu, chú rể cùng gia đình hai bên, sau đó là phần ăn uống, thức ăn được dọn ra cùng một lúc, ai tới muộn thì chịu đói. Ở đây, bất kể là thời gian nào, cứ bàn nào đủ người là họ mang thức ăn ra. Nên có người thì ăn xong từ lâu rồi, có người thì mới bắt đầu ăn. Cô dâu và chú rể thì luôn đứng ở ngoài cửa để đón và tiễn khác, không có bàn cho họ ngồi ăn uống như ở Việt Nam.

Đám cưới này, được tổ chức tại nhà của cô dâu nên hình thức cũng có nhiều cái khác. Có phần giới thiệu cô dâu, chú rể và gia đình, có rót rượu, cắt bánh, nhưng vẫn không có bàn cho đôi vợ chồng này ngồi ăn uống, hết phần giới thiệu là họ phải ra cửa đứng chờ để tiễn khách. Dù được tổ chức ở nhà, nhưng cũng giống như ở nhà hàng, cứ bàn nào có đủ người là thức ăn của bàn đó được mang ra, mọi người không ăn cùng một lúc, thật lạ.

Đây là phù dâu. Da của họ không được trắng, nhưng đánh phấn trắng, trông như đeo mặt nạ.


Từ cổng, cô dâu, chú rể cùng đoàn phù dâu, phủ rể tiến tới sân khấu, họ phải đi quanh cái bàn đựng rượu và bánh một vòng.


Tiếp tới là phần giới thiệu gia đình


Phỏng vấn đôi uyên ương


Có nhiều câu hỏi làm chú rể ngượng đỏ mặt, còn cô dâu thì không nói được gì


Sau tất cả các câu hỏi, rót rượu, cắt bánh, bạn bè của đôi uyên ương xịt các loại linh tinh lên đôi uyên ương


Bây giờ thì đã xong phần giới thiệu, nghi thức, họ có thể ôm nhay nhảy theo tiếng nhạc (mà cực kỳ ầm)


Một điều mình nhận thấy trong các tiệc cưới ở đây, đó là những đứa trẻ này, chúng không phải là khách mời, nhưng chúng được phép vào trong các tiệc cưới để thu gom vỏ lon, khách ăn thì cứ ăn, uống thì cứ uống, chúng cứ đi xung quanh, thu nhặt một phần nhỏ đã được sử dụng của tiệc cưới.

Tuesday, December 22, 2009

Some pictures taken on the highway 6 and on Tonle Sap


Một trong những cửa hàng tạp hóa nổi trên Biển Hồ


Phương tiện đi lại duy nhất ở đây, xuồng, nên dù nhỏ tuổi những đứa trẻ này đã biết chèo thuyền


Hoa lau, lâu lắm rồi mới được thấy những chùm lau tốt như thế này, thật đơn giản mà thật đẹp


Hoa lục bình hay hoa bèo


Cò nhạn, hay còn gọi là cò ốc vì sở thích là ăn ốc (giống mình, nhưng mình thích ăn ốc luộc chấm mắm gừng)


Bình minh trên Biển Hồ




Còn đây là hoàng hôn




Xe tải chất đầy người và hàng hóa, có thể gặp thường xuyên trên quốc lộ 6 từ Siem Reap tới Phnom Penh


Còn đây là xe ba gác, cũng chất đầy hàng hóa, như chở cả một ngôi nhà, sợ thật. Chở như thế này thì chả cần đội mũ nắng cũng chả tới đầu được

Saturday, December 12, 2009

KOH KER

Koh Ker là tên một di tích nằm trong quần thể di tích Angkor, cách thành phố Siêm Riệp 100 km. Đây là kinh đô cũ của đế chế Angkor được xây dựng dưới triều đại vua Jayavarman IV, khởi công từ năm 921 đến năm 944 mới hoàn tất. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự khủng hoảng quyền lực của vương triều Angkor sau khi vua Indravarman I băng hà.
Koh Ker được xem là cố đô của vương triều và được người dân quen gọi với cái tên Kim tự tháp của nền văn minh Angkor. Ở đây có khoảng 6 ngôi đền, trong đó có 4 ngôi đền đáng được đi xem, hai ngôi đền còn lại đã bỉ sụp đổ hết, chỉ còn lại một đồng đổ nát toàn đất và đá.

Đoạn đường gần tới Koh Ker, từ Siem Reap tới Koh Ker, nửa đoạn đường đầu là đường trải nhựa rất dễ đi, đây là nửa đường còn lại tới Koh Ker, bụi bẩn, đầy ổ gà.


Con đường dẫn tới ngôi đền đầu tiên từ cổng soát vé mới ở Koh ker, đường đẹp như mùa thu tỏa nắng


Ngôi đền đầu tiên ở Koh Ker, theo mình thì đây là ngôi đền đẹp nhất, trên nóc đền là cả một cây cổ thụ xum xuê, rế cây ôm lấy tường đền, cuốn vào tường đền, như để bao bọc, che đỡ cho ngôi đền.























Con côn trùng này nhỏ chỉ bằng con ruồi, chắc sống trên gỗ nên có cùng màu với gỗ, ngay tại cổng ra vào trong ngôi đền đầu tiên, không biết có gây hại không, nhưng trông thật sợ.


Dù đất khô cằn, toàn đá và sỏi, nhưng loài hoa dại này vẫn mọc và nở hoa rực rỡ, thật đẹp


Cô bé người Khmer, chắc là con của một trong những người bảo vệ đền, cô bé có nét đặc trưng của người Khmer, tóc đen hơi xoăn, đôi mắt đen láy tròn xoe, thật dễ thương


Trầm tư trong ngôi đền đổ nát


Đền đen (ngôi đền này bị cháy nên có màu đen)


Lối đi vào trong ngôi đền cuối cùng ở Koh Ker



Ngôi đền cuối cùng ở Koh Ker, cũng là ngôi đền lớn nhất trong những ngôi đền ở đây, đây là những gì còn sót lại


Tảng đá này to và rất nặng, 5 người khiêng không nổi, được dùng để làm cổng. Ngày xưa, không có xe cẩu để cẩu đá lên, nên người ta phải đục các lỗ nhỏ vừa thanh gỗ, họ đổ nước ngâm thanh gỗ đó để cho gỗ nở ra, đóng chắc vào các hốc đá và khiêng tảng đá lên nhờ vào các thanh gỗ đó.


Cho dù mải mê ngắm vẻ đẹp hùng vĩ của các ngôi đền hùng vĩ mang đậm nét lịch sử, các bạn cũng không quên để ý xung quanh, đừng bước vào lối đi có các biển báo nguy hiểm như dưới. Ở Campuchia, vẫn còn rất nhiều mình, biển báo ở khắp nơi.


Các ngôi đền ở Koh Ker được xây dựng khoảng 400 năm trước Angkor Wat, lúc đó con người chưa có kinh nghiệm về kiến trúc, về xây dựng. Điều đó có được thấy rõ trong ngôi đền dưới đây. Họ không xây gạch so le mà xây bằng nhau, viên nọ xếp lên viên kia, nên sau khi xây xong không lâu, bức tường trước đã bị sụp (do có cửa nên sức chống kém). Từ các ngôi đền này, họ đã rút ra kinh nghiệm để xây được Angkor Wat kiên cố như ngày nay.


Chữ Khmer cổ, người Khmer hôm nay cũng không đọc và hiểu được.


Phương tiện giao thông chính ở Koh Ker, xe nào cũng chứa chật người và hàng hóa, cả trong xe lẫn trên nóc xe

Thursday, December 10, 2009

Chạy bán Maratong ở Siem Reap.

Đã 14 năm rồi, cứ vào đầu tháng 12 là cuộc chạy thi bán Maratong lại được diễn ra ở Siem Reap. Cuộc thi Bán Maratong quốc tế Angkor Wat lần đầu tiên được diễn ra vào tháng 12 năm 1996 với mục đích chính là để giúp đỡ những người còn sống sót sau các vụ nổ mình và để gửi một thông điệp tới thế giới là hãy dừng lại việc sử dụng những quả mìn tàn bạo.
Có 654 người từ 14 quốc gia đã tham dự cuộc chạy lần đầu tiên. Số lượng này cứ tăng dần hàng năm. Trong đợt chạy lần thứ 13, số lượng người tham dự là 2.964 người từ 43 nước.
Trong đợt chạy này, ít nhất thì mình biết có thêm một người từ Việt Nam, đó là mình, hihihi.
Nói là bán Maratong, nhưng không chỉ có thi cự ly 21km, mà còn có cự ly 10km, 5km, và cự ly 3km giành cho các gia đình.

Mình chưa bao giờ chạy và tham gia thi chạy. Hồi còn đi học, sợ nhất môn thể dục, trong đó có môn chạy.

Nhưng năm nay, mình phải tự hào nói rằng mình rất dũng cảm đã đăng k‎ý tham gia thi chạy cự ly 5km.

Nói là thi nhưng không có người thua hay người thắng, quan trọng là bạn tham gia để ủng hộ cho người người bị tàn tật do mìn, để tự khẳng định mình và để rèn luyện sức khỏe.

Cuộc thi được diễn ra ở Angkor Wat, di sản văn hóa của thế giới ở Siem Reap, nơi thu hút rất nhiều khách du lịch.

Có tham gia chạy mới thấy thích, mới thấy vui, quên hết cả mệt nhọc, mình đã chạy cự ly 5km trong vòng 35 phút, như thế là cũng tốt cho người mới chạy. Chắc phải tập chạy thêm và sẽ cố gắng thực hiện trong vòng 30 phút năm sau.
Bình thường, có rất nhiều ảnh được chụp cho những sự kiện như thế này. Nhưng năm nay chả có hình, vì người chụp hình cũng tham gia, hihihi...

Saturday, December 5, 2009

Video clip about the music at the boat race in Siem Reap



Nếu chỉ xem hình về các thuyền đua trong lễ hội đua thuyền thì không đủ, phải được nghe nhạc của lễ hội, nhạc khởi đầu cho một lễ hội tưng bừng. Tiếng nhạc réo rắt, làm cả người đua lẫn người xem đều hào hứng. Tiếc là mình không quay được cảnh những người cổ vũ cũng đứng múa theo tiếng nhạc (đứng gần ngay cạnh mình nên khó quay quá), ngoài ra, ở mỗi thuyền hầu như đều có một người đứng lên múa, các động tác múa rất đơn giản, chỉ là đưa tay uốn theo nhạc, nhưng trông rất hay.

Tuesday, December 1, 2009

Chùm ảnh về Đua thuyền ở Siêm Reap

Cứ hàng năm vào cuối mùa mưa là người dân Campuchia lại tổ chức lễ hội đua thuyền. Lễ hội là dịp để người Khmer thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống, để ôn lại sức mạnh không thể chia cắt của lực lượng thủy quân của Đế chế Khmer cổ và sự đa dạng của các phương tiện giao thông đường thủy của dân tộc Khmer.
Người dân Campuchia rất nhiệt tình với các lễ hội, họ từ khắp nơi đổ về nơi tổ chức, họ khăn gói đồ ăn thức uống, tới tận nơi tổ chức để tham gia và cổ vũ cho lễ hội.
Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp quảng cáo hình ảnh.
Khách sạn Victoria, khách sạn 5 sao ở Siem Reap cũng đăng ký một quầy bán đồ ăn thức uống, dĩ nhiên trong lễ hội này, để phục vụ du khách địa phương, giá cả không thể là 5 sao mà phải là giá bình dân. Vì thế, quầy bán đồ ăn uống của khách sạn luôn đông khách, chất lượng 5 sao, nhưng giá lại bình dân không sao.

Một cậu bé theo cha mẹ từ quê lên Siem Reap để xem lễ hội đua thuyền, khuôn mặt luôn ánh lên nét tò mò ngỡ ngàng.



Trước mỗi mũi thuyền đều có bàn thờ nhỏ, hương khói nghi ngút để cầu may mắn.

Dù là đang lễ hội đua thuyền, nhưng chàng trai này vẫn không bỏ lỡ cơ hội để quảng cáo về tài viết chữ của mình.

Và dĩ nhiên, bia Angchor, bia của Campuchia, là thứ không thể thiếu cho du khách tới thưởng thức lễ hội đua thuyền, và cũng là thứ không thể thiếu của các thành viên đua thuyền sau cuộc đua.

Cậu bé bán ngô có khuôn mặt rất sáng và nụ cười tươi rói làm du khách dù không thích ngô cũng phải mua một bắp.

Nơi bắt đầu cuộc đua, các thuyền đang chờ hiệu lệnh để xuất phát.

Không chỉ có người địa phương mà còn có rất nhiều người nước ngoài cũng hứng thú tham gia đua thuyền

Bắt đầu cuộc đua, mỗi lần hai thuyền. Cố lên!!!


Thời trang của cổ động viên???

Bé gái giúp mẹ bán hàng. Hình như cô bé không mặn mà lắm với cuộc đua thuyền, giống mẹ của bé, bé chỉ quan tâm tới du khách, mong cho họ mua hàng nhiều cho mẹ bé.